VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 09/11

Ngày 09/11/2021

VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 09/11

 Trên cơ sở quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, ngày 09/11 hằng năm được chọn làm “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây cũng là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước ta.

  “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trước hết nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của toàn dân; khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành kỷ luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật. Ngoài ra, Ngày pháp luật còn nhằm xây dựng cho con người niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị con người hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý, lối sống theo pháp luật.

 

E:\\Du Lieu\\ANH THI-N\\NGUYEN\\Ngày pháp lu_t 1.jpg


1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật 

Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu mà nhà nước ta đang hướng đến và đang trong quá trình xây dựng. Nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có cơ chế phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, tự do cá nhân. Sự tuân thủ và chấp hành pháp luật của mọi chủ thể là tiền đề quan trọng để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, Ngày pháp luật được tổ chức nhằm khuyến khích, vận động mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để để tất cả các ngày còn lại trong năm đều là Ngày Pháp luật, xem việc học tập, vận dụng, chấp hành, tuân thủ pháp luật là việc làm thường xuyên của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị.

2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật 

Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Bên cạnh việc tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, Ngày Pháp luật còn nhằm xây dựng niềm tin,tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân qua việc khơi dậy trong mọi cá nhân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình khi tham gia vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.

3. Đề cao giá trị con người nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật  

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

4. Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý 

Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức vì sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của người dân vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Do đó, Ngày Pháp luật là bước khởi đầu tạo điều kiện để mỗi người có cơ hội cùng nhau xây dựng nền văn hóa pháp lý.

Với những ý nghĩa đó, nhằm mục đích hưởng ứng Ngày Pháp luật 09/11 năm 2021, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 690/KH-ĐHKT ngày 02/11/2021, trong đó tập trung triển khai các nội dung thực hiện đến toàn thể viên chức và người lao động (VC&NLĐ) Trường như sau:

- Thường xuyên phổ biến đến VC&NLĐ các chính sách, quy định pháp luật mới trên lĩnh vực phụ trách của đơn vị; tập trung phổ biến những vấn đề đang được dư luận, xã hội quan tâm. Kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, những tấm gương tiêu biểu trong thi hành và bảo vệ pháp luật; góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội để cùng nhau đẩy lùi dịch Covid-19.

- Tiếp tục đẩy mạnh ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật trong VC&NLĐ Trường; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức của VC&NLĐ trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong giảng dạy, học tập và trong công tác chỉ đạo, điều hành qua các hoạt động chính trị, chuyên môn phù hợp với điều kiện của từng đơn vị (họp chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, họp cơ quan, gửi tài liệu tuyên truyền qua mail, mạng xã hội…); khuyến khích, vận động VC&NLĐ tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (nếu có).

- Đưa tiêu chí về việc tuân thủ, chấp hành pháp luật vào nội dung thi đua khen thưởng và công tác bình xét, đánh giá VC&NLĐ hằng năm của Trường.

- Tuyên truyền trực quan qua việc chạy khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày pháp luật năm 2021 trên bảng điện tử của Trường.

 

Nguồn: Phòng Hành chính Tổng hợp

Tin khác
 Fanpage Khoa Quy hoạch
 Fanpage Trường
 Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ
Bản quyền © 2012 thuộc về Trường Đại Học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh