KỶ NIỆM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH (2/9/1945 -2/9/2023)
KỶ NIỆM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945-19/8/2023) VÀ QUỐC KHÁNH (2/9/1945 -2/9/2023)
Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã nhất tề nổi dậy, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc ta, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó đến nay, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đất nước ta đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
1. Bối cảnh lịch sử
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh trên mặt trận châu Âu kết thúc. Ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Tuy nhiên, theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật; thực dân Pháp ý đồ dựa vào Đồng minh để thiết lập lại địa vị thống trị cũ; đế quốc Mỹ đứng sau cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; lợi dụng thời cơ, bọn phản động trong nước cũng ráo riết hoạt động chống phá cách mạng.
Ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao chưa từng thấy. Khắp nơi nổ ra những cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy có hàng nghìn người tham gia. Hàng triệu quần chúng sẵn sàng đứng lên khởi nghĩa, ủng hộ Việt Minh, giành chính quyền. Các tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Nhận thấy thời cơ giải phóng dân tộc đã đến, từ ngày 13-15/8/1945, Đảng triệu tập Hội nghị Toàn quốc quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng (Chính phủ Lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội Quốc dân, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước tổng khởi nghĩa, chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
2. Diễn biến
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Ở những vùng xa xôi, dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương và vận dụng chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Ngày 14/8/1945, lực lượng vũ trang Quảng Ngãi giành chính quyền. Từ ngày 14 đến 18/8, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, hầu hết các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thửa Thiên- Huế, Khánh Hòa lần lượt nổi dậy giành chính quyền. Riêng Hà Nội là nơi Xứ ủy Bắc Kì đặc biệt quan tâm. Ngày 15/8/1945, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (ủy ban khởi nghĩa) được thành lập. Vào chiều 17/8, được tin Tổng hội viên chức sẽ tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát lớn để ủng hộ Chính phủ bù nhìn, Ủy ban khởi nghĩa quyết định biến cuộc mít tinh này đó thành cuộc mít tinh của quần chúng ủng hộ cách mạng. Khi cuộc mit tinh vừa khai mạc thì cờ đỏ sao vàng xuất hiện trước đám đông. Các đội viên tuyên truyền xung phong Việt Minh xông lên giành lấy diễn đàn, thông báo tin Nhật đầu hàng và kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh khởi nghĩa. Cuộc mít tinh sau đó biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Nhân dân tự động xếp hàng, có các đội viên tự vệ chiến đấu dẫn đầu, đi từ Nhà hát lớn qua các con phố trung tâm, hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”. Trước khí thế cách mạng của nhân dân dâng cao, chính quyền bù nhìn không dám chống cự, quân Nhật không dám can thiệp. Ủy ban khởi nghĩa quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945. Tại Huế, Trung ương Đảng cùng với Đảng bộ Thừa Thiên- Huế xúc tiến chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi. Ngày 20/8, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập. Ngày 23/8, hàng chục vạn nhân dân Huế tiến hành biểu tình thị uy chiếm các công sở, Huế được giải phóng. Ngày 24/8, khởi nghĩa tiếp tục nổ ra và giành thắng lợi ở các tỉnh Hà Nam, Quảng Yên, Đắc Lắc, Phú Yên, Gò Công. Ngày 25/8, ta giành chính quyền ở Lạng Sơn, Phú Thọ, Kon Tum, Bình Thuận. Tại Sài Gòn, từ ngày 20/8, cờ đỏ sao vàng xuất hiện công khai, khí thế cách mạng sôi sục. Xứ ủy Nam Kì quyết định khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh vào ngày 25/8. Ngày 25/8, Sài Gòn và các tỉnh Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre, Sa Đéc giành được chính quyền. Ngày 26/8, thị xã Hồng Gai, Sơn La, Châu Đốc, Biên Hòa, Cần Thơ được giải phóng. Ngày 27/8, nhân dân Rạch Giá giành chính quyền. Tiếp đến, ngày 28/8, Đồng Nai Thượng và Hà Tiên giành chính quyền. Chiều ngày 30/8, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Ngọ Môn. Trước hàng vạn quần chúng, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và giao nộp ấn kiếm cho Phái đoàn chính phủ lâm thời, đánh dấu cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi hoàn toàn. Một vài nơi như thị xã Vĩnh Yên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Móng Cái, Hải Ninh do quân Tưởng và bọn phản động chống lại nên chính quyền cách mạng chưa được thiết lập trong cách mạng Tháng Tám. Cuộc đấu tranh ở đây diễn ra gay go, phức tạp, một thời gian sau mới giành thắng lợi. Ngày 25/8, Trung ương Đảng từ Tân Trào về đến Hà Nội. Ngày 27/8, Ủy ban dân tộc giải phóng họp, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời. Ngày 28/8, danh sách các thành viên Chính phủ được công bố trên báo ở Hà Nội gồm 15 người, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chiều ngày 2/9, tại cuộc mít tinh quy mô lớn của gần 1.000.000 người tham gia ở quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ra đời. Ngày 2/9/1945 trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)
3. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm
- Ý nghĩa lịch sử
+ Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất, là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất của dân tộc ta. Đây cũng là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Cách mạng Tháng Tám đã đập tan ách thống trị của phát xít Nhật trong 5 năm, thực dân Pháp 87 năm, lật đổ hoàn toàn chế độ phong kiến hàng ngàn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền.
+ Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
+ Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nó khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo hoàn toàn có thể thành công ở một nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.”[1]
- Bài học kinh nghiệm
Cách mạng Tháng Tám thành công để lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học quý báu, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc. Có thể kể đến những bài học nổi bật là:
+ Một là, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến.
+ Hai là, toàn dân nổi dậy trên nền tảng khối liên minh công – nông.
+ Ba là, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù.
+ Bốn là, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và biết sử dụng bạo lực cách mạng một cách thích hợp để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra bộ máy nhà nước của nhân dân.
+ Năm là, nắm vững nghệ thuật khởi nghĩa, nghệ thuật chọn thời cơ.
+ Sáu là, xây dựng một Đảng Mác- Lênin đủ sức lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Phát huy thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, từng bước tiến gần hơn tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Trong những năm 1945- 1954, dân tộc ta đã làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm bằng trận Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Tiếp đến là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược kéo dài 21 năm (1954-1975), thu non sông về một mối, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đăc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện từ năm 1986 đến nay, từ một nước bị bao vây, cấm vận, khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng do duy trì cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp kéo dài, đến năm 1994, Việt Nam đã dỡ bỏ được thế bao vây, cấm vận và tuyên bố thoát khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội (1996), bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đến năm 2008, nước ta đã ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Những năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Năm 2021, Việt Nam đã được 90 nước công nhận là nền kinh tế thị trường và đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 413,81 tỷ USD, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 37 trong top 50 quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Việt Nam đang nằm trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại. Bên cạnh đó, thể chế, hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện và có bước phát triển; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế từng bước được đẩy mạnh, phát huy lợi thế ngành và lãnh thổ; chính sách xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao; văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, trở thành nguồn lực phát triển đất nước; quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân; công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường, y học Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc: Việt Nam đã chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh (vaccine phòng bệnh tả, đậu mùa, thương hàn), kiểm soát và ngăn ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm (đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh, dịch hạch…), làm chủ được nhiều công nghệ cao (nước ta đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu. Năm 2019, hai ca ghép phổi thành công đã đánh dấu kỳ tích mới trong ngành ghép tạng, Việt Nam, nước ta đã ghép được 6/6 tạng chủ yếu: tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột. Cũng trong năm 1919, Việt Nam đã triển khai thành công kỹ thuật can thiệp bào thai - là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong y học bào thai hiện nay). Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh; tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường, hợp tác quốc tế về quốc phòng và an ninh có nhiều tiến triển… Có thể nói, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tất cả những thành tựu đó là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, là niềm tự hào, động lực, nguồn lực quan trọng, giúp toàn thể dân tộc có thêm niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, nối tiếp thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945.
[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, tập 6, tr.195
Nhóm phụ trách tuyên giáo và dân vận - Đảng ủy Trường.
- » KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 - 19/8/2024) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2024) ( 22/08/2024 )
- » Đảng bộ Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Sinh hoạt toàn Đảng bộ và sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ( 03/05/2024 )
- » ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5/1886 – 1/5/2024) ( 26/04/2024 )
- » ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ, TỔNG BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (01/5/1904 – 01/5/2024) ( 26/04/2024 )
- » Đảng bộ Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Thông tin tình hình thời sự Quý I/2024 ( 25/03/2024 )
- » ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024) ( 18/03/2024 )
- » KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2024) ( 02/02/2024 )
- » Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ( 15/06/2023 )
- » Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị và sinh hoạt toàn Đảng bộ ( 23/05/2023 )
- » KỈ NIỆM 48 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (30/4/1975 - 30/4/2023) VÀ 137 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5/1886 - 1/5/2023) ( 29/04/2023 )
- » Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 ( 23/02/2023 )
- » ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2023) ( 02/02/2023 )
- » Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận (15/10/1930 - 15/10/2022) của Đảng và 23 năm ngày "Dân vận" của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2022) ( 10/10/2022 )
- » 77 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945 - 19/8/2022) VÀ QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2022) ( 31/08/2022 )
- » Chào mừng 76 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2021) và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2021) ( 01/09/2021 )
- » Kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) và 135 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 – 1/5/2021) ( 07/05/2021 )
- » Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và sinh hoạt toàn Đảng bộ. ( 11/04/2021 )
- » KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2021) ( 03/02/2021 )
- » Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020) ( 03/09/2020 )
- » Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Kiến trúc TpHCM lần thứ XV NK 2020-2025 ( 04/08/2020 )